THÁNG 3- MÙA CHUYỂN SANG MÙA

Những ngày đầu tháng 3, Hà Nội bị bao phủ bởi màn mưa phùn cuối xuân, những con đường, những ngõ phố trở nên ẩm ướt và chật chội. Nhưng chẳng phải vì thế mà người ta ghét tháng ba. Tôi đã nghe 1 ai đó nói về tháng ba “ nếu như có thể gói trăm năm, ngàn năm đất nước thành mười hai tháng của một năm, thì em hãy biến tuổi trẻ của mình hôm nay thành một tháng ba vời vợi cảm hứng sang mùa”. Dường như cứ nhắc tới tháng ba là người ta nhớ về tháng chuyển mùa, thời gian sẽ chấm dứt những ngày mùa xuân cuối cùng để đón cái nắng đầu màu hạ. Con người cũng chọn cho mình tháng 3 để thấy mình lớn lên. Nó nhắc chúng ta về vai trò của thế hệ thanh niên trong ngày hôm nay. Tháng 3- tháng thanh niên, tháng của những hoạt động đoàn, đội sôi nổi và hào hứng. Tháng 3- nghe giọt mồ hôi rơi trên những con đường phát động trồng cây, “ ngày chủ nhật xanh”, “thứ bảy tình nguyện”…
Tháng 3 để mỗi người hiểu rằng mình đã lớn, để nhìn lại những gì mình đã cống hiến , đã làm được cho đất nước , cho quê hương. Có phải vì thế mà tháng 3 luôn mang âm hưởng vui tươi, rộn ràng và khép lại trong dự âm xao xuyến. Bất cứ nơi đâu trên mọi miền tổ quốc, bất cứ nẻo đường nào, người ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh cờ đoàn tung bay trong gió lộng, “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Tháng 3 đã thực sự trở thành tháng của những người trẻ tuổi với lý tưởng dựng xây cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc . Năm 2011 được coi là năm thanh niên, kỉ niệm 80 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tháng 3 năm nay có ý nghĩa to lớn đối với mỗi người đoàn viên, thanh niên. Đặc biệt đối với mỗi sinh viên khoa GDQP, những con người sống và học tập “sáng mãi phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ”. Tháng 3 như thúc những âm thanh hối hả, như cuốn mỗi người vào vòng xoay vội vã của thời gian . Để mỗi người hiểu rằng mình phải sống “nhanh hơn nữa, vội vàng hơn thế nữa” cống hiến không mệt mỏi. Để mỗi người biết mình đang mang trên vai trách nhiệm của người thanh niên ngày hôm nay, học tập và sáng tạo để không còn những tháng năm sống hoài, sống phí. Tôi vẫn nghe trong âm hưởng của “nhật kí Đặng Thùy Trâm”, “Mãi Mãi tuổi 20” gọi về những suy nghĩ của thế hệ người trẻ tuổi. Tôi vẫn nghe trong lời bài hát của tác giả Vũ Hoàng: “Dù lên rừng hay xuống bể, vượt bão dông, vượt gian khổ…đừng hỏi Tổ Quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi rằng ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay”. Và có một sự thật đó là một năm chỉ có một tháng 3, như thời gian trôi đi chẳng trở lại, tuổi thanh niên cũng chỉ có một lần trong đời, đừng để nó ngủ giấc triền miên.