Chọn mua máy ảnh Kĩ thuật số hiệu quả

Bài này Đức Anh muốn giới thiệu cho các bạn 1 số kinh nghiệm khi chọn mua máy ảnh kĩ thuật số. Vừa là kinh nghiệm bản thân đã từng đi chọn mua rất nhiều máy ảnh(mua hộ gần chục chiếc), vừa là tìn hiểu thêm trên mạng và tổng hợp lại.
Máy ảnh số được chia làm hai dòng là: ống kính liền (nghiệp dư) (Compact Camera) và ống kính rời (chuyên nghiệp) - là loại mà có ống kính gắn thêm ở ngoài. 
Máy ảnh nghiệp dư (Compact Camera)

Máy ảnh chuyên nghiệp
Sau đây là 9 kinh nghiệm giúp cho bạn khi mua máy ảnh KTS có quyết định sáng suốt nhất khi lựa chọn cho mình một chiếc máy ảnh số thuộc dạng tự động, ống kính liền.
1. Kích cỡ bộ cảm biến - Sensor Size
Bộ cảm biến (Sensor) giống như phim của máy ảnh cơ. Đây là nơi ghi nhận hình ảnh thực của bức ảnh trước khi được các thuật toán nội suy nhân lên thành nhiều Mega Pixels (Độ phân giải ảnh - Resolution). Vì thế, kích cỡ bộ cảm biến càng lớn thì chất lượng ảnh càng cao. Còn độ phân giải ghi là 5MP hay 7MP cũng chỉ là tăng độ phóng đại mà thôi. Nên bạn nhớ 1 điều rằng, khi bạn không cần in 1 tấm ảnh to 1, 2 thậm chí hơn 3 mét, mà chỉ cần in từ A4 trở xuống, bạn chỉ cần chọn từ 5Mega Pixels trở lên mà đạt các thông số tốt như vừa nói và những thông số dưới đây là OK rùi.
Lấy ví dụ cả 3 máy ảnh Canon G5, G6 và G7 đều có cùng một kích cỡ cảm biến là 1/1.8” nhưng lại có độ phân giải hiệu dụng lần lượt là 5MP, 7.1MP và 10MP hoặc dòng S của Canon chỉ có cảm biến 1 /2.5” nhưng cũng có độ phân giải hiệu dụng là 5 - 10 MP. Về cơ bản, cùng một dòng máy thì cùng một kích cỡ cảm biến sẽ cho chất lượng ảnh gần giống như nhau.
2. Độ nhạy sáng - ISO
Thông số ISO trên máy ảnh số là đại lượng dùng để đo độ nhạy sáng của cảm biến ảnh đối với ánh sáng. Giá trị ISO thấp tương ứng với độ nhạy sáng thấp của cảm biến ảnh với ánh sáng và ngược lại.
Để chụp được một bức ảnh rõ nét trong điều kiện ánh sáng yếu thì phải nâng mức ISO lên cao. Tuy nhiên, một cái giá phải trả là khi đẩy ISO lên cao thì xuất hiện nhiễu. Các máy ảnh có chất lượng cao thì có các mức ISO cao như 1600 hay 3200 và hạn chế được độ nhiễu khi đẩy ISO lên cao. Các máy rẻ tiền thì chỉ cần đưa lên mức ISO 400 là đã xuất hiện nhiễu. Một kinh nghiệm nữa là nếu cùng một giá tiền thì chọn mua máy nào có mức ISO cao hơn và chụp thử xem đến mức ISO nào thì bắt đầu xuất hiện nhiễu để xác định độ tốt của máy.
3. Độ phóng đại quang học - Optical Zoom hoặc Zoom Tele
Các máy ảnh kỹ thuật số có hai loại phóng đại là phóng đại quang học - Optical Zoom và phóng đại kỹ thuật số - Digital Zoom. Khi sử dụng phóng đại kỹ thuật số thì sẽ làm giảm chất lượng ảnh, còn phóng đại quang học thì giữ nguyên chất lượng ảnh. Do đó, máy có chỉ số phóng đại quang học lớn hơn sẽ đắt hơn. Máy thông thường có mức Optical Zoom là 3x, 4x. Một số máy có độ phóng đại quang học lên tới 12x.
4. Chống rung - Image stabilization
Khi chụp với tốc độ chậm, trong môi trường ánh sáng yếu hoặc khi phóng đại (Zoom) nhiều sẽ có thể xảy ra hiện tượng nhòe hình. Tính năng chống rung sẽ giúp cho người chụp có thể khắc phục được những hạn chế nói trên. Có hai loại chống rung là chống rung quang học có sẵn trong ống kính hoặc chống rung kỹ thuật số do bộ xử lý của máy khử chống rung. Chống rung quang học có sẵn trong ống kính sẽ tốt hơn. Thuộc tính này thường được thể hiện bằng chỉ số Image stabilization: Yes, Lens.
5. Góc rộng của ống kính - Zoom Wide
Với một ống kính rộng hơn, cho phép người chụp có thể lấy được nhiều hình hơn với cùng một khoảng cách tới đối tượng cần chụp. Thông thường có hai mức Zoom Wide là 28mm và 35mm. Tất nhiên là 35mm sẽ có lợi thế hơn là 28mm.
6. Tính năng quay phim - Video Clip
Với các máy ảnh thì tính năng này là phụ. Tuy nhiên, các máy đời mới bây giờ cho chất lượng quay rất tốt, với điều kiện ánh sáng đủ thì cho chất lượng gần bằng chất lượng DVD. Chất lượng phim quay được quyết đinh bởi các thông số: kích cỡ khung hình 320 x 240 hoặc 640 x 480 (chất lượng DVD là 768 x 480) và số lượng khung hình tính trên 1 giây. Thông thường là có hai mức 15fps và 30fps. Phải để ở 30fps thì hình phát lại mới không bị giật. Ưu tiên cho các máy có kích cỡ khung hình và lượng khung hình trên giây cao nhất.
7. Loại thẻ nhớ - Storage types
Hiện nay, máy ảnh của Sony dùng loại thẻ Memory Stick, máy ảnh của Olympus thường dùng thẻ XD, máy của Canon và một số hãng khác thường dùng thẻ SD và CF. Trong các loại này thì SD là thông dụng hơn cả và giá lại rẻ nhất, đặc biệt thẻ SD có thể dùng cho một số dòng điện thoại.
8. Kích cỡ màn hình
Các máy ảnh số hiện nay thường có kích cỡ màn hình ít nhất là 2 inch. To hơn là 2,5 inch đến 3 inch. Tất nhiên, màn hình càng lớn thì xem lại hình càng rõ nhưng sẽ rất hao pin.
9. Kích cỡ, trọng lượng, loại pin và độ tùy chỉnh
Trong các dòng máy du lịch thì lại được chia làm hai loại. Loại nhỏ gọn, mỏng, trọng lượng nhẹ thường dùng pin lithium. Loại này được sản xuất với tiêu chí tự động hoàn toàn nên rất ít cho phép tùy chỉnh. Loại này phù hợp với chị em và những người không muốn tìm hiểu kỹ thuật chụp ảnh mà chỉ muốn có máy gọn nhẹ để lưu lại những khoảnh khắc kỷ niệm của mình. Có một nhược điểm là khi dùng máy sử dụng pin Lithium thì không có pin dự phòng.
Loại thứ hai là các dòng máy cho phép người dùng được tùy chỉnh nhiều hơn như các máy chuyên nghiệp. Đổi lại là các dòng máy này thường to hơn, nặng hơn và dùng pin AA. Dùng pin AA cũng có cái lợi là hết pin có thể thay ngay pin dự phòng. Pin AA xạc lại vẫn rẻ hơn nhiều so với Pin Lithium. Loại này dành cho những người muốn nâng cao kỹ thuật chụp ảnh nhưng chưa đủ tiền mua các dòng máy cao cấp ống kính rời.
Nhưng 1 lời khuyên chân thành là bạn nên mua máy có pin Lithium, vì pin bền hơn nhiều.
Hi vọng với những chia sẻ trên đây, bạn sẽ có lựa chọn sáng suốt khi mua cho mình 1 chiếc máy ảnh ưng ý và chất lượng.
Đức Anh tổng hợp từ Báo Dantri.com.vn, Pico.vn, và một số trang web hữu ích khác