Hướng dẫn tổ chức Đại hội Đoàn cấp cơ sở

THÀNH ĐOÀN HÀ NỘI             ĐOÀN T.N.C.S HỒ CHÍ MINH
   BCH ĐOÀN TRƯỜNG ĐHSP HÀ NỘI

Số: -XIV/HD-ĐTN

 



                             Hà Nội, ngày 20 tháng 08 năm 2008


HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC ĐẠI HỘI ĐOÀN CẤP CƠ SỞ
- Căn cứ vào Kế hoạch năm học 2008-2009,
- Căn cứ vào Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn,
Ban Thường vụ Đoàn trường ĐHSP Hà Nội gửi công văn hướng dẫn tổ chức Đại hội Đoàn cấp cơ sở (chi đoàn, liên chi đoàn) trong năm học 2008-2009 như sau:
I. Nhiệm vụ của Đại hội Đoàn các cấp
1- Thảo luận và biểu quyết thông qua các báo cáo của Ban chấp hành  nhiệm kỳ vừa qua.
2- Quyết định phương hướng, nhiệm vụ công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong nhiệm kỳ mới.
3- Bầu Ban chấp hành mới
II. Quy trình tổ chức Đại hội Đoàn các cấp
1. Công tác chuẩn bị Đại hội
Để chuẩn bị tốt Đại hội Đoàn các cấp, BCH các cơ sở Đoàn có thể thành lập các tiểu ban gồm:
+ Tiểu ban Nội dung
+ Tiểu ban Nhân sự
+ Tiểu ban Tuyên truyền
+ Tiểu ban Hậu cần
            Nhiệm vụ của các tiểu ban:
Tiểu ban Nội dung:
+ Xây dựng dự thảo báo cáo các văn kiện của Đại hội, gồm: Báo cáo tổng kết, phương hướng công tác, diễn văn khai mạc, bế mạc, nghị quyết Đại hội.
+ Xây dựng hệ thống các vấn đề thảo luận vào các văn kiện của Đại hội Đoàn cấp trên (nếu có), đồng thời định hướng các đơn vị thảo luận tập trung vào những nội dung cơ bản đã hệ thống.
+ Tổng hợp các ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện của Đại hội.


Tiểu ban Nhân sự:
+ Xây dựng đề án phân bổ đại biểu (với Đại hội Liên chi đoàn) cho các đơn vị cấp dưới (có số lượng cụ thể).
+ Xây dựng đề án nhân sự BCH cùng cấp (với Đại hội Liên chi đoàn, chi đoàn trực thuộc thì có ý kiến của cấp uỷ cùng cấp và Đoàn trường; với Đại hội chi đoàn khối phổ thông, Đại học có ý kiến của Đoàn cấp trên, Giáo viên chủ nhiệm…).
+ Xây dựng đề án nhân sự đoàn đại biểu dự đại hội Đoàn cấp trên.
+ Báo cáo kiểm tra của BCH.
+ Xây dựng các văn bản phục vụ Đại hội như : Thông tri triệu tập đại biểu, nội quy Đại hội, các văn bản phục vụ cho công tác bầu cử.
Tiểu ban Tuyên truyền:
+ Tham mưu cho Ban Chấp hành Đoàn cùng cấp phát động phong trào thi đua, hướng dẫn tổ chức các hoạt động tuyên truyền chào mừng Đại hội.
+ Chuẩn bị các điều kiện cho công tác trang trí khẩu hiệu, pa-nô, áp phích.
+ Chuẩn bị chương trình hoạt động văn hóa văn nghệ trong Đại hội
+ Triển khai công tác trang trí, khánh tiết Đại hội
Tiểu ban Hậu cần:
Chuẩn bị kinh phí cơ sở vật chất và phương tiện để phục vụ cho Đại hội.
2. Phương pháp tiến hành Đại hội
2.1. Trang trí Đại hội         
Tùy theo điều kiện thực tế ở các đơn vị mà tiến hành công tác tuyên truyền và trang trí, tạo nên màu sắc không khí trẻ trung hướng tới Đại hội.
Trong Hội trường, nhìn từ dưới lên:
+ Trên cùng ngang phông là khẩu hiệu: “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm” (với Đại hội Liên chi đoàn).
+ Tính từ mép phông phía trái qua phải: Cách 1/3 chiều rộng phông là cờ Tổ quốc, phía dưới sao vàng là tượng Bác (hoặc ảnh Bác) được đặt trên bục hoặc bàn có khăn phủ, sang tiếp 1/3 phông là cờ Đoàn hoặc huy hiệu Đoàn treo thấp hơn cờ Tổ quốc (lấy Sao vàng làm chuẩn). Phía dưới cờ hoặc huy hiệu Đoàn là dòng chữ: Đại hội Đoàn… Nhiệm kỳ… (Có thể bố trí 2 hoặc 3 hàng với 2 kiểu chữ khác nhau).
+ Xung quanh Hội trường có thể trang trí khẩu hiệu, tranh ảnh cổ động tuyên truyền.
2.2. Trách nhiệm và cách bầu cử Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu của Đại hội:
a. Trách nhiệm:
* Trách nhiệm của Đoàn Chủ tịch:
 Điều khiển Đại hội theo chương trình đã được Đại hội quyết định.
Hướng dẫn Đại hội thảo luận, phê chuẩn các báo cáo của Ban chấp hành, quyết định phương hướng nhiệm vụ công tác Đoàn nhiệm kỳ tới và những vấn đề có liên quan.
Quyết định việc lưu hành các tài liệu và kết luận các vấn đề của Đại hội hoặc Hội nghị.
- Lãnh đạo việc bầu cử của Đại hội. Quyết định cho rút tên hay không cho rút tên trong danh sách bầu cử.
- Giải quyết những vấn đề phát sinh trong Đại hội.
- Điều khiển thông qua nghị quyết Đại hội.
- Tổng kết Đại hội.
* Trách nhiệm của Đoàn Thư ký:
- Ghi biên bản Đại hội. Tổng hợp ý kiến phát biểu và các biểu quyết.
- Soạn thảo và đọc Nghị quyết Đại hội.
- Nhận và đọc thư, điện chào mừng Đại hội.
* Trách nhiệm của ban thẩm tra tư cách đại biểu:
- Căn cứ tiêu chuẩn đại biểu và các nguyên tắc, thủ tục về bầu cử để xét tư cách đại biểu cho cấp dưới bầu lên.
- Tổng hợp và báo cáo với Đại hội về tình hình đại biểu.
- Giải quyết các đơn thư tố cáo, khiếu nại về tư cách đại biểu, về thực hiện nguyên tắc, thủ tục bầu cử của các cấp dưới và những trường hợp xét thấy không đầy đủ tư cách đại biểu để Đại hội quyết định.
Trong quá trình Đại hội, Ban thẩm tra tư cách đại biểu có trách nhiệm theo dõi hoạt động của đại biểu, nếu có những hiện tượng vi phạm nội quy, quy định, gây khó khăn cho Đại hội thì có thể nhắc nhở phê bình hoặc đề nghị Đại hội bác bỏ tư cách đại biểu của người vi phạm. Người bị bác bỏ tư cách đại biểu thì không được dự Đại hội nữa.
Ban chấp hành cấp triệu tập Đại hội, khi tổng hợp danh sách về đại biểu dự Đại hội cần chuẩn bị trước các nội dung thuộc về trách nhiệm của Ban thẩm tra tư cách đại biểu để đến Đại hội Ban Thẩm tra tư cách đại biểu xem xét hoàn chỉnh báo cáo trình Đại hội.
* Trách nhiệm của Ban kiểm phiếu:
- Hướng dẫn nguyên tắc, thủ tục và cách tiến hành bầu cử
- Phát phiếu, kiểm phiếu và công bố kết quả.
- Xem xét tập thể báo cáo với Đoàn Chủ tịch hoặc Đại hội quyết định những trường hợp vi phạm nguyên tắc bầu cử hoặc đơn từ khiếu nại về bầu cử.
- Làm biên bản bầu cử
b. Cách bầu Đoàn Chủ tịch, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu và Ban kiểm phiếu
* Bầu Đoàn Chủ tịch:
- Ban chấp hành cấp triệu tập Đại hội dự kiến danh sách Đoàn Chủ tịch là những đại biểu chính thức của Đại hội để giới thiệu với đại biểu của Đại hội.
- Nếu đại biểu Đại hội không giới thiệu thêm thì có thể biểu quyết từng người một để lấy những người được tín nhiệm cao hơn.
- Số lượng Đoàn Chủ tịch: Tùy điều kiện cụ thể để có số lượng hợp lý, song không nên quá đông và không nên cấu tạo hình thức (ngoài những ủy viên của Đoàn Chủ tịch là những đại biểu chính thức được Đại hội bầu. Tùy tình hình cụ thể có thể mời đại diện cấp ủy Đảng và Đoàn cấp trên tham gia Đoàn Chủ tịch)
* Bầu Ban Thẩm tra tư cách đại biểu:
- Tương tự như Bầu Đoàn Chủ tịch (Đối với Đại hội toàn thể, không phải bầu, việc xem xét tư cách đại biểu do Đoàn Chủ tịch quyết định).
* Bầu Ban kiểm phiếu:
- Đoàn Chủ tịch giới thiệu dự kiến danh sách Ban kiểm phiếu (là những đại biểu chính thức không có tên trong danh sách bầu cử).
- Nếu đại biểu Đại hội không giới thiệu thêm thì giơ tay biểu quyết một lần toàn bộ danh sách.
- Nếu đại biểu giới thiệu thêm thì biểu quyết từng người một.
* Thư ký Đại hội:
Do Đoàn Chủ tịch quyết định số lượng và lựa chọn để báo cáo với Đại hội
Chú ý: Trừ Ban kiểm phiếu, còn việc bầu Đoàn Chủ tịch, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu bầu ở phần trù bị Đại hội.
3. Chương trình Đại hội
- Chào cờ, hát Quốc ca, bài ca chính thức của Đoàn (nếu là Đại hội kết hợp với Đại hội Hội sinh viên thì hát tiếp bài ca chính thức của Hội).
- Tuyên bố lý do, khai mạc Đại hội và giới thiệu đại biểu.
- Bầu Đoàn Chủ tịch và Đoàn Chủ tịch giới thiệu các thư ký của Đại hội.
- Bầu Ban Thẩm tra tư cách đại biểu.
- Đoàn Chủ tịch công bố chương trình và thời gian làm việc của Đại hội, tình hình tổ chức và hoạt động nhiệm kỳ qua, chương trình công tác trong nhiệm kỳ tới và bản kiểm điểm của Ban Chấp hành.
- Ban Thẩm tra tư cách đại biểu báo cáo kết quả và biểu quyết công nhận tư cách đại biểu.
- Đại hội thảo luận các báo cáo của Ban Chấp hành.
- Đại diện cấp ủy Đảng và Đoàn cấp trên phát biểu ý kiến.
- Đoàn Chủ tịch công bố Ban Chấp hành cũ hết nhiệm kỳ và tuyên bố Đại hội tiến hành bầu Ban Chấp hành của nhiệm kỳ mới. Tiếp đó trình bày yêu cầu, cơ cấu, tiêu chuẩn ủy viên Ban Chấp hành mới. Đại hội thảo luận và ứng cử, đề cử người vào Ban Chấp hành mới.
- Đoàn Chủ tịch trả lời, giải thích những ý kiến của đại biểu, quyết định cho rút tên hoặc không cho rút tên khỏi danh sách bầu cử và điều khiển Đại hội thông qua danh sách bầu cử.
- Bầu Ban kiểm phiếu.
- Bầu cử, công bố kết quả, Ban chấp hành mới ra mắt.
- Thông qua Nghị quyết của Đại hội.
- Tổng kết, bế mạc Đại hội (có chào cờ)
Trong trường hợp có bầu cử đại biểu đi dự Đại hội Đoàn cấp trên thì trong chương trình Đại hội có thêm phần bầu cử này. Đoàn Chủ tịch Đại hội cần sắp xếp thời gian hướng dẫn Đại hội bầu cử theo đúng yêu cầu và số lượng do Đoàn cấp trên phân bổ.
4. Các bước tiến hành bầu cử Ban chấp hành Đoàn:
a. Đoàn Chủ tịch trình bày với Đại hội đề án xây dựng Ban Chấp hành mới (đề án đã được Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, cấp ủy Đảng và Đoàn cấp trên góp ý kiến). Trong đề án cần nêu rõ yêu cầu nhiệm vụ, tiêu chuẩn, dự kiến số lượng, cơ cấu ủy viên Ban Chấp hành.
b. Đại hội thảo luận và biểu quyết về số lượng ủy viên Ban Chấp hành khóa mới.
c. Đại biểu thảo luận cơ cấu, tiêu chuẩn ủy viên Ban Chấp hành và tiến hành ứng cử, đề cử. Cần dành thời gian thích đáng để thảo luận kỹ và thống nhất cao về cơ cấu Ban Chấp hành. Sau đó bám sát cơ cấu Ban Chấp hành để tiến hành đề cử, ứng cử. Không nhất thiết đề cử đủ số lượng mà biết ai, hiểu ai, tín nhiệm ai thì đề cử người đó. Khi hết ý kiến ứng cử, đề cử trong đoàn (hoặc trong tổ), tổng hợp danh sách và nếu được thì thống nhất chung một danh sách ứng cử, đề cử để báo cáo Đoàn Chủ tịch.
d. Đoàn Chủ tịch tổng hợp danh sách ứng cử, đề cử. Sau khi tập hợp danh sách, nếu thấy số lượng ứng cử, đề cử quá nhiều so với số lượng Ban Chấp hành mới, có thể gây khó khăn cho việc bỏ phiếu thì đoàn chủ tịch cần họp lại với các trưởng đoàn, tổ trưởng để thảo luận thống nhất cách chỉ đạo và hướng giải quyết. Nếu cần, Đoàn Chủ tịch có thể quyết định để các tổ hoặc một số tổ có liên quan thảo luận tiếp theo hướng chỉ đạo chung. Sau khi các đoàn, các tổ phản ánh kết quả việc thảo luận lần thứ hai với Đoàn Chủ tịch về những trường hợp xin rút hoặc để lại trong danh sách bầu, Đoàn Chủ tịch tập hợp lại danh sách những người ứng cử và được đề cử.
e. Đoàn Chủ tịch công bố danh sách ứng cử, đề cử do các đoàn, các tổ phản ánh với Đại hội.
- Công bố những trường hợp xin rút tên của người ứng cử, được đề cử và những ý kiến xin rút của tập thể hoặc cá nhân được đề cử.
- Công bố những trường hợp được Đoàn Chủ tịch đồng ý hay không đồng ý cho rút tên.
- Công bố danh sách ứng cử, đề cử chính thức để Đại hội biểu quyết thông qua, sau đó tiến hành in phiếu bầu hoặc niêm yết danh sách bầu cử.
f. Đại hội bầu Ban kiểm phiếu: Ban kiểm phiếu báo cáo nguyên tắc, thủ tục bầu cử, hướng dẫn cách bỏ phiếu và thứ tự bỏ phiếu, kiểm tra số lượng phiếu và phát phiếu cho các trưởng đoàn hoặc tổ trưởng (có sổ ghi chép số lượng phiếu và ghi nhận, nếu có điều kiện nên in trích ngang ngắn gọn danh sách bầu cử, thứ tự phiếu bầu để đại biểu tiện tham khảo, theo dõi).
g. Tiến hành bầu cử: Khi Đại hội yêu cầu và xét thấy cần thiết, không làm mất dân chủ trong bầu cử thì Đoàn Chủ tịch có thể công bố danh sách dự kiến Ban Chấp hành mới do Ban Chấp hành cũ giới thiệu.
- Danh sách bầu cử phải được công bố rõ ràng, có thể cung cấp danh sách trích ngang để đại biểu tham khảo.
- Trong quá trình bầu cử, Ban kiểm phiếu cần thường xuyên nhắc nhở những điều kiện cần thiết để đại biểu đỡ nhầm lẫn và sẵn sàng đổi phiếu cho những đại biểu có nhu cầu.
- Khi đại biểu đã ghi phiếu bầu xong, Ban kiểm phiếu có trách nhiệm hướng dẫn đại biểu lần lượt bỏ phiếu.
h. Ban kiểm phiếu làm việc và công bố kết quả bầu cử (đọc biên bản)
III. Các văn bản quy định đối với Đại hội cấp cơ sở
- Giấy mời
- Giấy triệu tập đại biểu
- Dự kiến phân bổ đại biểu (nếu là đại hội đại biểu)
- Báo cáo chính trị: Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2007-2008, phương hướng nhiệm kỳ 2008-2009 (với Đại hội Chi đoàn), nhiệm kỳ 2008-2010 (với Đại hội Liên chi đoàn).
- Chương trình, kịch bản Đại hội
- Biên bản kiểm phiếu (mẫu)
- Biên bản thẩm tra tư cách đại biểu (mẫu)
- Dự thảo Nghị quyết Đại hội (mẫu)
- Hướng dẫn nguyên tắc và thể lệ bầu cử (mẫu)
- Phiếu bầu (mẫu)
- Đề án nhân sự, có danh sách trích ngang (có xác nhận của Đảng ủy - chi ủy cùng cấp )
- Maket trang trí Đại hội
  Các văn bản này phải được Đảng uỷ, Đoàn cấp trên duyệt.
IV. Những công việc cần giải quyết sau Đại hội
1. Bí thư (hoặc Phó Bí thư Đoàn nếu được uỷ nhiệm) của khóa cũ triệu tập phiên họp thứ nhất của Ban chấp hành khóa mới và chủ trì để bầu Chủ tọa Hội nghị. Sau đó Chủ tọa Hội nghị điều khiển Hội nghị Ban Chấp hành khóa mới bầu các chức danh Bí thư, Phó Bí thư.
2. Hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo kết quả Đại hội lên Đoàn cấp trên, bao gồm:
a. Biên bản Đại hội
( có chữ ký của thư ký Đại hội và người thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội).
b. Biên bản bầu cử các loại:
(có chữ ký của Trưởng ban kiểm phiếu và người thay mặt Đoàn Chủ tịch).
c. Danh sách trích ngang Ban Chấp hành mới có chữ ký của người thay mặt Đoàn Chủ tịch (ghi theo thứ tự: Bí thư, Phó Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành).
3. Tổ chức văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng thành công của Đại hội.
4. Xây dựng và thông qua quy chế hoạt động của Ban Chấp hành mới, phân công nhiệm vụ các ủy viên Ban Chấp hành.
5. Ban Chấp hành mới lãnh đạo thực hiện nghị quyết Đại hội.
V. Tổ chức thực hiện
Các cơ sở Đoàn căn cứ vào Hướng dẫn tổ chức Đại hội, xây dựng Kế hoạch tổ chức Đại hội cấp cơ sở, báo cáo với Ban Thường vụ Đoàn trường theo đúng lịch trình sau:
- Trước 15 tháng 9: Nộp cho Ban thường vụ Đoàn trường Kế hoạch tổ chức Đại hội chi đoàn, Liên chi đoàn.
 Từ 15 tháng 9 đến 10 tháng 10: Tổ chức Đại hội chi đoàn
- Từ 10 tháng 10 đến 25 tháng 10/2008: Tổ chức Đại hội cấp Liên chi đoàn - chi đoàn trực thuộc.
Lưu ý:  Theo Nghị quyết Đại hội Đoàn Trung Ương lần thứ IX
- Nhiệm  kỳ của Chi đoàn là 01 năm  01 lần
- Nhiệm kỳ của Liên chi đoàn là 05 năm  02 lần
Ghi chú: Việc tổ chức Đại hội cấp Liên chi đoàn, chi đoàn trực thuộc chỉ được tổ chức sau khi Ban Thường vụ Đoàn trường đã duyệt Đại hội. Việc duyệt Đại hội phải được tổ chức trước khi tiến hành Đại hội Liên chi đoàn, chi đoàn trực thuộc ít nhất một tuần. Khi đăng kí lịch duyệt Đại hội, các đơn vị phải nộp Hồ sơ Đại hội của đơn vị, bao gồm đầy đủ các văn bản theo quy định tại mục III của Hướng dẫn này.
Đại hội Đoàn các cấp là một hoạt động chính trị có ý nghĩa rất sâu sắc, tạo ấn tượng về công tác tổ chức của Đoàn thanh niên. Vì vậy, Ban Chấp hành Đoàn trường yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc bản hướng dẫn này. Mọi chi tiết khác, nếu cần thiết, đề nghị liên hệ với đồng chí Vũ Thị Phương Hạnh- Văn phòng Đoàn trường hoặc qua địa chỉ email: doantn@hnue.edu.vn

TM.BCH ĐOÀNTRƯỜNG                     
               BÍ THƯ
Nơi nhận:
- Thành đoàn Hà Nội
- Đảng uỷ - BGH trường
- Các LCĐ                            
- Lưu VP.                                                                                   Nguyễn Bá Cường                                                       
            Nguồn: Đoàn TN ĐHSP - Mục Hướng dẫn đại hội đoàn cấp cơ sở