60 năm trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Khái quát quá trình phát triển xây dựng và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài cho hệ thống giáo dục quốc dân và toàn xã hội; nghiên cứu khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng thuộc các lĩnh vực khoa học Tự nhiên, Xã hội và Nhân văn, Giáo dục đạt trình độ tiên tiến; cung cấp dịch vụ giáo dục và khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
1. Khái quát quá trình xây dựng và phát triển
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ĐHSPHN) chính thức được thành lập ngày 11/10/1951 theo Nghị định của Bộ Quốc gia Giáo dục. Song quá trình hình thành và phát triển của Nhà trường lại được bắt đầu từ một sự kiện quan trọng, đó là ngày 10 tháng 10 năm 1945, tức là chỉ hơn một tháng sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Ban Đại học Văn khoa tại Hà Nội, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là đào tạo giáo viên Văn khoa Trung học. Một một năm sau đó, ngày 8 tháng 10 năm 1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh số 194/SL thành lập ngành học Sư phạm, đào tạo giáo viên cho các bậc học cơ bản, trung học phổ thông, trung học chuyên khoa, thực nghiệm và chuyên nghiệp trong toàn quốc.
Sự kiện thành lập Ban Đại học Văn khoa - tổ chức tiền thân của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - mở đầu cho quá trình hình thành và phát triển của ngành sư phạm cách mạng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt và tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp giáo dục. Sau này, nhà trường còn có vinh dự được hai lần đón Bác về thăm (năm 1960 và năm 1964). Lời căn dặn của Người đã trở thành niềm tự hào và mục tiêu phấn đấu không biết mệt mỏi của lớp lớp các thế hệ cán bộ và sinh viên Nhà trường trong suốt quá trình xây dựng và phát triển. Người nói: "Làm thế nào để Nhà trường này chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước”"Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không được đăng trên báo, không được thưởng Huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.

Trong quá trình phát triển, dù đã nhiều lần đổi tên: Trường Sư phạm Cao cấp, Trường ĐHSP Hà Nội 1, Trường ĐHSP-ĐHQG Hà Nội và Trường ĐHSP Hà Nội như ngày nay, Nhà trường vẫn luôn đứng ở vị trí là trường ĐHSP đầu ngành, trọng điểm, cái nôi, cái máy cái của ngành sư phạm cả nước. Hàng chục vạn giáo viên các cấp, các chuyên gia giáo dục, trong đó có nhiều nhà hoạt động chính trị có uy tín, nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, mà tên tuổi của họ mãi làm rạng danh nền học vấn nước nhà. Đó là các giáo sư Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Trần Văn Giàu, Cao Xuân Huy, Phạm Huy Thông, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Lân hay nhà văn Nguyễn Khoa Điềm, nhà thơ Phạm Tiến Duật … tất cả đã cống hiến và trưởng thành từ mái trường này. Nhiều giảng viên của Trường là những chuyên gia đầu ngành có uy tín không chỉ trong nước, mà cả trong khu vực và trên thế giới. Đến nay, trường đã có 70 giảng viên được phong học hàm Giáo sư, hơn 350 Phó Giáo sư, 33 Nhà giáo Nhân dân và 118 Nhà giáo Ưu tú.
Không chỉ trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, sự cống hiến của Nhà trường còn thể hiện trong những năm tháng đấu tranh quật cường của đất nước. Trong kháng chiến Chống Mỹ cứu nước, ĐHSPHN là một trong những cái nôi của “Phong trào Ba sẵn sàng”; là nơi hàng nghìn sinh viên và cán bộ ưu tú đã "xếp bút nghiên lên đường ra trận”, hàng trăm giáo viên và sinh viên đã “vượt Trường Sơn” vào miền Nam xây dựng nền giáo dục cách mạng ở vùng giải phóng.
2.Trường ĐHSP đầu ngành và trọng điểm của cả nước
Trường ĐHSPHN là trường trọng điểm, đầu ngành trong hệ thống các trường sư phạm, là trung tâm lớn nhất về đào tạo giáo viên, nghiên cứu khoa học -đặc biệt là khoa học giáo dục - của cả nước. Sứ mạng của Trường là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ đại học và trên đại học, bồi dưỡng nhân tài cho hệ thống giáo dục quốc dân và xã hội; NCKH cơ bản, khoa học giáo dục và khoa học ứng dụng đạt trình độ tiên tiến; cung cấp dịch vụ giáo dục và khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế. Trường có vai trò nòng cốt cho hệ thống các trường sư phạm trong việc đào tạo, bồi dưỡng giảng viên và cán bộ quản lí giáo dục, phát triển các chương trình đào tạo, biên soạn chương trình, giáo trình, sách giáo khoa, cho các bậc học, tư vấn các cấp quản lý xây dựng chính sách giáo dục.
Tính đến năm học 2010-2011, Trường có 21 khoa đào tạo và 2 bộ môn trực thuộc, bao gồm các khoa: Toán - Tin, Công nghệ Thông tin, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Sư phạm Kĩ thuật, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Việt Nam học, Giáo dục Chính trị, Tâm lí - Giáo dục, Quản lí Giáo dục, Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Mầm non, Giáo dục Thể chất, Giáo dục Quốc phòng, Giáo dục Đặc biệt, Sư phạm Âm nhạc - Mĩ thuật, Tiếng Anh, Tiếng Pháp; các Bộ môn Tiếng Nga và bộ môn Tiếng Trung Quốc. Trường có 2 trường THPT trực thuộc: Trường THPT Chuyên và Trường THPT Nguyễn Tất Thành; có 2 viện nghiên cứu là Viện Nghiên cứu Sư phạm và Viện Khoa học Xã hội; hơn 20 trung tâm nghiên cứu và chuyển giao KHCN và khoa học giáo dục trực thuộc.
Ở bậc đào tạo đại học, cao đẳng, Trường có 42 chương trình đào tạo hệ chính quy, trong đó có 8 chương trình đào tạo chất lượng cao và liên kết nước ngoài; 22 chương trình đào tạo không chính quy.
Ở bậc sau đại học có 49 chương trình đào tạo thạc sĩ, 41 chương trình đào tạo tiến sĩ và một số chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ liên kết với  nước ngoài. Trường là cơ sở đào tạo sau đại học đầu tiên ở Việt Nam.
Hiện nay, trường có hơn 1.300 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có gần 800 giảng viên. Hơn 1/3 số giảng viên có học vị Tiến sĩ và Tiến sĩ khoa học, số còn lại đều đã có bằng Thạc sĩ chuyên ngành.
Đến nay, Trường đã đào tạo được hơn 81.000 cử nhân khoa học, hơn 9.000 thạc sỹ và trên 830 tiến sỹ. Trường ĐHSPHN còn là một trung tâm NCKH lớn. Chỉ tính từ năm 2000 đến nay, Trường đã có hơn 100 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước; gần 600 đề tài và nhiệm vụ cấp Bộ, trong đó có hơn 50 đề tài trọng điểm, gần 850 đề tài cấp Trường. Nhiều giảng viên đã vinh dự được nhận những giải thưởng khoa học cao quý như: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng khoa học Nhà nước, Giải thưởng quốc tế Cosmos, Giải thưởng Nhân tài đất Việt. Việc công bố các kết quả nghiên cứu KHCN trên các tạp chí khoa học quốc tế ngày càng nhiều. Chỉ riêng năm học 2009-2010 hơn 70 công trình nghiên cứu của giảng viên, nghiên cứu sinh của Trường được công bố trên các tạp chí uy tín của nước ngoài. Tạp chí khoa học ĐHSP Hà Nội (Journal of Science, HNUE) là một tạp chí khoa học có uy tín, ra 8 số 1 năm, trong đó có 2 số bằng tiếng Anh.
Trường ĐHSP Hà Nội có quan hệ hợp tác với hơn 100 trường đại học và các tổ chức giáo dục thuộc 34 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều trường nổi tiếng của Nga, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Đức, Australia, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Bỉ…Trường có các chương trình liên kết đào tạo quốc tế từ Cử nhân đến Thạc sỹ, Tiến sỹ và trực tiếp tham gia nhiều dự án giáo dục lớn do quốc tế tài trợ. Trong những năm gần đây, hàng ngàn lượt cán bộ của trường đã đi trao đổi đào tạo,  NCKH ở nước ngoài và hàng nghìn lượt các nhà khoa học, các chuyên gia, học sinh, sinh viên các nước đến công tác và học tập tại trường. Trường đã tham gia tổ chức tốt nhiều hoạt động quốc tế lớn, như Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 39, Đại hội TDTT sinh viên Đông Nam Á lần thứ 13. Trường ĐHSP Hà Nội là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn ngành về hoạt động hợp tác quốc tế và đã được Bộ GD&ĐT nhiều năm liền tặng Bằng khen.
Trường  ĐHSPHN là một trong những trường đại học có tiềm năng cơ sở vật chất và thiết bị lớn nhất trong hệ thống các trường đại học, đặc biệt là các trường sư phạm cả nước. Với hệ thống giảng đường, phòng thí nghiệm, thực hành, phòng nghiệp vụ, thư viện, sân vận động, nhà thi đấu đa năng, trường chuyên, trường thực hành, các phương tiện kỹ thuật ngày càng hiện đại. Ký túc xá sinh viên được mở rộng và nâng cấp, cảnh quan và môi trường sư phạm ngày càng đổi mới, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo và NCKH của Trường sư phạm đầu ngành và trọng điểm. 
Với những thành tích nổi bật về mọi mặt, Trường ĐHSPHN đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba năm 1961, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 1962, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1981, Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 1986, Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 1996, Huân chương Hồ Chí Minh năm 2001 và danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2004. Năm 2010 trường ĐHSP Hà Nội đã được đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ tổ quốc.
Nguồn: Website trường ĐHSP Hà Nội