(ĐTNSP) Cách mạng tháng Tám vừa thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời chưa được bao lâu, thực dân Pháp đã trở lại xâm lược nước ta. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, không chịu mất nước, không chịu làm nô lệệệệ, quân dân ta đã anh dũng chiến đấu, chặn tay bọn xâm lược. Trong những tháng năm đầu của cuộc kháng chiến quyết liệt, nhiều đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống hoặc đổ máu trên các chiến trường. | |
Theo lời kêu gọi của Đảng, của Chính phủ và Bác Hồ, kế thừa truyền thống nhân ái, thủy chung của dân tộc, nhân dân ta đã dành tất cả tình thương yêu của mình cho các chiến sĩ và đồng bào đã vì sự nghiệp độc lập, tự do của Tổ quốc mà bị thương hoặc hy sinh. Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ bị nạn ra đời ở Thuận Hóa (Huế), rồi đến Hà Nội và một số địa phương khác... Sau đó ít lâu được đổi thành Hội giúp binh sĩ bị thương. Ở Trung ương có Tổng Hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch danh dự của Tổng Hội.Chiều ngày 28 tháng 5 năm 1946 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Tổng Hội tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng để kêu gọi đồng bào gia nhập Hội và hăng hái giúp đỡ các chiến sĩ bị thương. Để giúp chiến sĩ trong mùa đông giá rét, cuộc vận động Mùa đông binh sĩ được tổ chức trong cả nước, mở đầu bằng buổi lễ xung phong Mùa đông binh sĩ do Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam tổ chức chiều ngày 17 tháng 11 năm 1946 tại Hà Nội. Hồ Chủ tịch đã đến dự buổi lễ và tặng chiếc áo mà Người đang mặc (chiếc áo sau này bán đấu giá được 3.500 đồng). Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ngày 19 tháng 12 năm 1946, theo lời kêu gọi cứu nước của Bác Hồ, nhân dân cả nước nhất tề đứng dậy kháng chiến với tinh thần Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Số người bị thương và hy sinh trong chiến đấu tăng lên. Thương binh, liệt sĩ trở thành vấn đề lớn. Trước yêu cầu bức xúc đó, cùng với việc tiếp tục kêu gọi giúp đỡ thương binh, gia đình tử sĩ, ngày 16 tháng 2 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh liệt sĩ đối với công cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc. Để chủ đạo công tác này trong cả nước, ngày 26 tháng 2 năm 1947, Phòng thương binh (thuộc Chính trị Cục, Quân đội Nhân dân Quốc gia Việt Nam) được thành lập và đầu tháng 7 năm 1947 Bác Hồ đã đồng ý cho thành lập Ban Vận động tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc. Cũng trong thời gian này, tại một địa điểm xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, các đại biểu Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa phương đã dự một cuộc họp. Tại cuộc họp này, theo đề nghị của đại diện Chính trị Cục, Quân đội Nhân dân Quốc gia Việt Nam, các đại biểu đã nhất trí chọn ngày 27 tháng 7 hàng năm là Ngày Thương binh toàn quốc. Ông Lê Tất Đắc, đại diện Chính trị Cục, Quân đội Nhân dân Quốc gia Việt Nam tham gia cuộc họp đã tóm lược về ngày đáng ghi nhớ này bằng câu ca dao: 'Dù ai đi Đông về Tây 27 tháng 7 nhớ ngày thương binh. Dù ai lên thác xuống ghềnh 27 tháng 7 thương binh nhớ ngày' . Chiều ngày 27 tháng 7 năm 1947, Ngày Thương binh toàn quốcccc mở đầu bằng cuộc mitting lớn được tổ chức tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Tại cuộc mitting này, các đại biểu đã nghe ông Lê Tất Đắc, đại diện Chính trị Cục, Quân đội Nhân dân Quốc gia Việt Nam đọc thư của Hồ Chủ tịch gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức Ngày Thương binh toàn quốcccc. Trong thư Người viết: '... Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu ... Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy'. - Ông Lê Thành Ân, Phó Trưởng phòng Thương binh, thuộc Chính trị Cục nói về mục đích, ý nghĩa của Ngày Thương binh toàn quốc và trách nhiệm của toàn dân đối với thương binh, liệt sĩ. - Ông Lê Tỵ, đại diện thương binh nói lên lòng biết ơn của thương binh đối với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự giúp đỡ của nhân dân. - Bà Bá Huy, Bí thư Phụ nữ cứu quốc xã Lục Ba, người sau này được Bác Hồ gửi thư khen vì có nhiều thành tích giúp đỡ bộ đội, thương binh ... phát biểu, hứa hẹn ủng hộ và giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Trong lời kêu gọi nhân Ngày Thương binh toàn quốc, ngày 27 tháng 7 năm 1948, Hồ Chủ tịch viết: '... Thương binh và tử sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, đã hy sinh cho đồng bào. Để báo đáp công ơn đó, Chính phủ phải tìm mọi cách để giúp đỡ anh em thương binh và gia đình tử sĩ. Tôi cũng rất mong muốn đồng bào sẵn sàng giúp đỡ họ về mặt vật chất và tinh thần ...' Ngày Thương binh toàn quốc đầu tiên cũng được tổ chức ở một số tỉnh phía Nam, đặc biệt là Thành phố Sài Gòn. Tuy đang bị địch tạm chiếm và đàn áp, khủng bố rất gắt gao nhưng đồng bào đã tổ chức theo cách riêng của mình: đến ngày đó các cửa hàng đằng mình đều đóng cửa nửa ngày và cũng trong thời gian đó không ai ra đường để biểu thị thái độ bất hợp tác với địch. Từ đấy, hàng năm đến ngày 27 tháng 7, Bác Hồ đều gửi thư thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Từ tháng 7 năm 1955, Ngày Thương binh toàn quốc được đổi thành Ngày Thương binh, Liệt sĩ để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc. Từ năm 1970, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam quyết định lấy ngày 01 tháng 12 hàng năm làm Ngày Thương binh, Liệt sĩ. Theo đó, hàng năm đến ngày 01 tháng 12, cùng với việc cử các đoàn đại biểu đến tặng quà, úy lạo thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đều có thư động viên, thăm hỏi thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và nhắc nhở quân dân các địa phương quan tâm, săn sóc, giúp đỡ anh, chị em. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8 tháng 7 năm 1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27 tháng 7 hàng năm chính thức trở thành Ngày Thương binh, Liệt sĩ của cả nước. Trải qua hơn nửa thế kỷ, với các tên gọi Ngày Thương binh toàn quốc, Ngày Thương binh, Liệt sĩ và được tổ chức trong những hoàn cảnh khác nhau (chiến tranh, hòa bình ở nửa đất nước, đất nước thống nhất, cả nước tiến hành công cuộc đổi mới), nhưng đúng như mục tiêu đề ra ban đầu, mỗi năm đến Ngày Thương binh, Liệt sĩ ngày 27 tháng 7, trên đất nước ta lại dấy lên nhiều việc làm thiết thực, đầy tình nghĩa chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng, thể hiện truyền thống hiếu nghĩa bác ái, lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì tự do và cuộc sống yên bình của nhân dân mà hy sinh, cống hiến. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ, ngày 27 tháng 7 năm 1997, tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên nơi chứng kiến sự ra đời của Ngày Thương binh toàn quốc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã khánh thành Khu kỷ niệm 27/7 và dựng bia kỷ niệm với nội dung được khắc trên bia như sau: 'Nơi đây Ngày 27 tháng 7 năm 1947, 300 cán bộ, bộ đội Và đại diện các tầng lớp nhân dân địa phương Họp mặt nghe công bố bức thư của Bác Hồ Ghi nhận sự ra đời của ngày Thương binh, Liệt sỹ' Cũng nơi này đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩĩĩĩ, ngày 27 tháng 7 năm 1997. Chiến tranh đã qua đi, đất nước hoà bình, nhưng những đau thương mất mát mà chiến tranh để lại thì không gì bù đắp được. Tuổi trẻ Thủ đô hôm nay tưởng nhớ đến những người đã khuất, đã bị thương trong các cuộc kháng chiến bằng lòng biết ơn, sự kính trọng lớn lao. Kỷ niệm Ngày Thương binh, Liệt sỹ 27/7 là cơ hội tôn vinh các giá trị truyền thống lịch sử và cách mạng của dân tộc; tạo phong trào cho tuổi trẻ và nhân dân tham gia giúp đỡ, động viên các gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng. Thông qua các hoạt động nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, trách nhiệm của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Thủ đô và đất nước. Thế hệ trẻ Thủ đô luôn coi đây là cơ hội để tri ân, để hành động, để làm mới mình, xứng đáng với truyền thống các thế hệ cha anh đi trước. Cần tiến hành đồng thời giữa hành động đóng góp cho xã hội và tự rèn luyện bản thân góp phần xây dựng lớp thanh niên Thủ đô mang trong mình 5 tiêu chí: Bản lĩnh vững vàng; Thanh lịch văn minh; Tri thức phong phú; Sức khoẻ dồi dào; Kỹ năng thành thạo và 6 giá trị cốt lõi: Trung thành; Sáng tạo; Khát vọng; Dấn thân; Tôn trọng và Trách nhiệm. Hàng năm, cứ mỗi dịp 27/7, Tuổi trẻ và mỗi người dân Việt Nam lại vô cùng xúc động, tưởng nhớ đến các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh, các mẹ Việt Nam anh hùng, các thương, bệnh binh đã hy sinh xương máu của mình, tô thắm những trang sử vẻ vang của dân tộc. Vì Tổ quốc, vì nhân dân, rất nhiều người con của dân tộc, trong đó có những người tuổi đời mới mười chín, đôi mươi đã gạt lại phía sau những hạnh phúc riêng tư, những giảng đường đại học để lên đường tranh đấu vì độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Biết bao người đã để lại một phần thân thể, đã hy sinh máu xương vì lý tưởng cao đẹp, như anh hùng lực lượng vũ trang, liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm đã viết: 'Hãy giữ vững tinh thần của người cộng sản, tinh thần trong suốt như pha lê, cứng rắn như kim cương và chói lọi muôn nghìn hào quang của lòng tin tưởng'.Tuổi trẻ hôm nay xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới những anh hùng liệt sỹ, các mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình cho cách mạng, đồng thời bày tỏ sự chia sẻ sâu sắc đối với các gia đình liệt sỹ còn chưa tìm được hài cốt con em mình. Thế hệ trẻ hôm nay tin rằng, máu của các anh, các chị đã tô thắm lá cờ đỏ của Tổ quốc quang vinh, linh hồn của các anh, các chị mãi mãi bất diệt và phù hộ cho đất nước hôm nay. Đáp lại những ân tình đó, phong trào Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồnnnn của tuổi trẻ Thủ đô đã trở thành hoạt động thường xuyên, thể hiện qua các hoạt động cụ thể như: chăm sóc, giúp đỡ các gia đình thanh niên xung phong neo đơn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tặng sổ tiết kiệm cho mẹ Việt Nam anh hùng; nhận chăm sóc phụng dưỡng thương bệnh binh, gia đình thương binh, liệt sỹ; tu sửa các nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn thành phố Hà Nội; Chăm sóc trẻ em khuyết tật, trẻ em nhiễm chất độc da cam; tổ chức khám bệnh, phát thuốc, tặng quà cho thương, bệnh binh tại các Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng; tổ chức các hoạt động về nguồn.... Âm hưởng của những tấm gương anh hùng, liệt sỹ như: Nguyễn Viết Xuân, Hoàng Lộc, Bùi Ngọc Dương, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc... càng trở nên sâu sắc hơn trong tâm khảm của mỗi đoàn viên, thanh niên Thủ đô, nhắc nhở chúng ta phải biết sống và hành động như các thế hệ thanh niên Hà Nội một thời anh dũng. Trong những ngày tháng 7/2011, cùng với tuổi trẻ cả nước, tuổi trẻ Thủ đô đã và đang sôi nổi tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 64 năm Ngày thương binh, liệt sỹ; đây là một trong những nội dung quan trọng của Chiến dịch Mùa hè Thanh niên tình nguyện 2011 và được tổ chức từ cơ sở tới thành phố với phương châm: 'Mỗi ngọn nến - Một tấm lòng - mỗi đoàn viên 1 việc làm ý nghĩa'. Toàn đoàn tổ chức ra quân vệ sinh môi trường, chỉnh trang, làm đẹp các nghĩa trang liệt sỹ, đài tưởng niệm trên địa bàn Thành phố, đồng thời giúp đỡ các gia đình vào làm lễ dâng hương tại các phần mộ liệt sĩ. Tổ chức lễ thắp nến tri ân tại tại 342 nghĩa trang và đài tưởng niệm trên địa bàn thành phố. Lễ Thắp nến tri ân với cách làm sáng tạo, đồng loạt, có sức lan toả rộng lớn thu hút đông đảo thanh niên và các tầng lớp nhân dân tham gia, thể hiện sâu sắc đạo lý Uống nước nhớ nguồn của dân tộc, có tác dụng giáo dục thế hệ trẻ sâu sắc. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà, xây nhà nhân ái, khám bệnh, phát thuốc, tặng quà cho các Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình chính sách, các thương, bệnh binh và gia đình có chiến sỹ hiện đang làm nhiệm vụ tại Quần đảo Trường Sa sống trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên các cấp tổ chức tuyên truyền về lịch sử ra đời và ý nghĩa của ngày thương binh, liệt sỹ 27/7; tuyên truyền về tác hại của chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam do quân đội Mỹ sử dụng. Tổ chức các buổi tọa đàm, diễn đàn, thi tìm hiểu, sinh hoạt chuyên đề, gặp mặt giao lưu với thương bệnh binh qua các thời kỳ kháng chiến; thăm quan các di tích lịch sử, các khu căn cứ địa cách mạng; các hoạt động văn hóa, văn nghệ với chủ đề ca ngợi truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của các thế hệ cha anh, ca ngợi các anh hùng liệt sỹ. Tổ chức 'Ngày sinh hoạt chi đoàn' tại tất cả các cơ sở Đoàn trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong tháng 7 với trọng tâm kỷ niệm 64 năm Ngày thương binh, liệt sỹ. Có thể nói, hoạt động đền ơn đáp nghĩa của tuổi trẻ Thủ đô là một việc làm thiết thực góp phần cùng toàn xã hội chăm sóc, đền đáp những người có công, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ biết sống nhân ái, biết trân trọng những giá trị cao đẹp của quá khứ, từ đó hướng tới tương lai tươi sáng. Với lòng biết ơn vô hạn, tuổi trẻ Thủ đô xin cảm ơn: Những chiến sĩ anh dũng đã mãi mãi nằm xuống nơi đất mẹ; những cô gái mở đường tải đạn; những bà mẹ Việt Nam không màng nỗi đau mất mát. Xin cám ơn tất cả những ai đã quên đi sự sống của mình để nghĩ đến sự sinh tồn của toàn dân tộc. Xin chúc tất cả các anh, chị chiến sỹ, bộ đội, thương binh, những bà Mẹ Việt Nam anh hùng, những gia đình các thương binh, liệt sỹ, những gia đình có công với các mạng và tất cả những ai đã hy sinh cho đất nước hay còn đang tiếp tục cống hiến một ngày 27/7 ý nghĩa, tràn đầy sự nhân ái yêu thương của toàn xã hội. Ban Tuyên giáo Thành đoàn Hà Nội |